Connect with us

Chuyện cổ tích mang tên iPad

Tình huống thương hiệu

Chuyện cổ tích mang tên iPad

Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông vô cùng thông minh và giàu có. Ông ta bước lên sân khấu rộng lớn, trên tay cầm một chiếc máy tính dẹt, phẳng và không có bàn phím, cố gắng thuyết phục các phóng viên rằng trong vòng 5 năm tới, loại máy này sẽ trở thành bá chủ thế giới.

Người đàn ông đó không ai khác chính là Bill Gates.

Comdex năm 2000, hội chợ thương mại công nghệ lớn nhất thời bấy giờ, Microsoft ra mắt một sản phẩm với tên gọi Máy Tính Bảng (Tablet PC). Chiếc máy này tiếp tục được giới thiệu một lần nữa ở hội chợ Comdex năm 2001. Tiếc là vẫn không ai để ý đến.

Có thể thấy máy tính bảng về cơ bản cũng giống như máy xách tay nhưng không mạnh bằng và không có bàn phím. Nó tương tự một quyển sổ, chỉ khác là nặng hơn, đắt hơn, và chắc chắn sẽ vỡ nếu bạn lỡ đánh rơi. Ai sẽ muốn một chiếc máy như vậy?

Giờ thì Apple lại đang chào hàng một chiếc máy tính bảng khác: iPad. Người ta đã lờ tịt chiếc máy trước kia, cớ gì mà họ lại muốn chiếc máy này?

Cái khó khi viết về các sản phẩm của Apple là có quá nhiều lời đồn thổi cường điệu về chúng. Còn khó hơn là đôi khi những lời đồn thổi đó lại đúng sự thật.

Về cơ bản, Apple lấy một cái máy tính, chặt bỏ bàn phím và trần cho nó phẳng ra. iPad tương đối mạnh so với kích thước khiêm tốn của mình. Nó sử dụng bộ vi xử lý A4 với tốc độ 1 gigahertz do chính Apple sản xuất. Mặc dù chưa có một đánh giá độc lập nào được tiến hành, song trong suốt các buổi trình diễn sản phẩm thì không có sự cố nào xảy ra.

 

iPad đứng ở vị trí trung gian giữa một chiếc iPhone và một chiếc máy tính xách tay – nghiêng về phía máy xách tay nhiều hơn và cho đến nay vẫn được thấy là tiện lợi hơn. Máy iPad tương đối mỏng, kích thước từ 1,25cm; nặng khoảng 680g, bằng nửa chiếc MacBook Air. Nó chạy hệ điều hành đã được nâng cấp của iPhone mà nhiều người biết, yêu thích hoặc chí ít là cũng chấp nhận được.

Để bù lại sự vắng mặt của bàn phím và con chuột, màn hình cảm ứng của iPad được thiết kế tươi sáng và sinh động đến nỗi người ta luôn có cảm giác nó lớn hơn kích thước thật 9.7 in (25cm chéo) của mình. Giá của iPad dao động từ 499 đô la (với ổ nhớ 16 gigabytes) đến 829 đô la (với ổ nhớ 64 gigabytes có kèm 3G)

iPad có thể làm được nhiều việc, như: duyệt web, quản lý thư, hình ảnh, nghe nhạc, xem phim, chơi games, soạn thảo văn bản, bảng tính, thuyết trình, đọc sách. Tuy nhiên nếu để ý thì bạn sẽ thấy là nó chẳng làm được bất cứ việc gì mà các thiết bị sẵn có khác không làm được. Thậm chí trong nhiều trường hợp, các thiết bị khác còn có thể làm việc tốt hơn iPad.

Điều khác biệt nằm ở những việc bạn có thể làm với chiếc iPad. Bạn có thể cầm nó lên, để nó trên đùi mình, có thể truyền tay nhau. Bạn có thể đặt nó trên bàn cà phê, đút nó trong một chiếc túi nhỏ, bạn có thể cầm nó bằng một tay để đọc khi đi tàu.

Giờ thì bạn có muốn thử nó không? Chắc chắn là có rồi. Không sao cả. Cảm giác của bạn lúc này là hoàn toàn bình thường.

Phù phép trên bia mộ của những sản phẩm đã chết

Steve Jobs không phát minh ra máy tính bảng. Trong suốt 10 năm qua, rất nhiều công ty uy tín khác cũng đã cho ra những loại máy tương tự. Tổng giám đốc điều hành Microsoft, Steve Ballmer, người không bao giờ chịu tiếp thu những bài học quá khứ, đã đến Hội Chợ Hàng Điện Tử (Consumer Electronics Show – hiện thân của Comdex ngày nay) vào tháng 1 vừa rồi, trên tay cầm chiếc máy tính bảng hiệu Hewlett-Packard chạy hệ điều hành Windows. Thêm một lần nữa Microsoft thất bại.

Đối với những kỹ sư máy tính, chiếc máy này giống như một nàng tiên cá, quyến rũ họ chỉ để rồi tàn phá họ một cách không thương tiếc trong sự lãnh đạm của người dùng.

Chính điều này lại kích thích Jobs. Ông thầy phù thủy này luôn thích phù phép trên bia mộ của những sản phẩm đã chết của các công ty khác.

Thử nhìn lại, các thiết bị chơi nhạc số đã sống lặng lẽ trên thị trường bao nhiêu năm trước khi iPod ra đời và làm nên lịch sử? Vậy nên, khi Apple quyết định đưa máy tính bảng lên bệ phóng, họ chắc chắn phải có trong tay những vũ khí tuyệt vời mà các đối thủ khác không có được.

Apple nổi tiếng với thiết kế màn hình đứng đầu thế giới, công ty của Jobs sở hữu bí quyết tiết kiệm năng lượng đặc biệt (mà theo tài liệu đặc tả của iPad, pin của nó có thể dùng được liên tục 10 giờ liền để lướt web.)

Quan trọng hơn nữa, để bù đắp cho sự vắng mặt của bàn phím, Apple sở hữu công nghệ màn hình cảm ứng đa điểm tốt nhất. Những nỗ lực của các công ty khác nhằm cạnh tranh với công nghệ này đều trở nên nực cười hoặc đau buồn, tùy vào tâm trạng của bạn, nhưng họ luôn thất bại.

Cơn bão cạnh tranh khốc liệt

Cũng còn một mấu chốt khác, các kĩ sư của Apple biết được một điều mà những công ty khác không biết, đó là: hình thức quyết định tất cả. Bạn có thể dùng một cái bảng chạy điện với nhiều chức năng chừng nào nó còn giúp bạn làm việc. Nhưng với số đông, nếu những chức năng này không tạo cảm giác dễ dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, và nếu chiếc bảng khiến cho họ trông kém sành điệu – người ta sẽ lập tức ngó lơ.

iPad không phải là loại máy giàu chức năng. Nó không chạy được Flash, chỉ dùng một trình duyệt duy nhất là Safari. Cũng giống như iPhone, nó không chạy đa nhiệm, hệ thống xử lý tập tin không thật tốt.

Tôi đã thử sử dụng bàn phím ảo được quảng cáo rất ầm ĩ của iPad, nói thật là cảm giác như đang gõ máy với những ngón tay bị cước lạnh vậy. Nó thậm chí còn không có camera. Nhưng bạn sẽ quan tâm đến nó, bởi vì khi thiết kế ra những đường nét thanh tú và giao diện rất bắt mắt này, Apple đã luôn nghĩ cho bạn.

Hơn nữa, iPad chỉ là một bộ phận hữu hình trong một thiết bị vô hình to lớn – toàn bộ hệ sinh thái Internet. Các công ty khác đơn giản là không thể theo kịp kĩ năng tiếp thị sản phẩm của Apple.

iPad ra đời trong một cơn bão cạnh tranh khốc liệt. Ngay trong tháng này, một đối thủ đã lộ diện với cái tên JooJoo. Các hãng như HP, Sony, Dell, Acer, Asus, Lenovo và (tất nhiên) cả Microsoft đều đang úp mở về một loại máy tính bảng thế hệ mới.

Đấy là còn chưa kể đến cơn sốt hàng nhái của Trung Quốc mà không một sản phẩm nổi tiếng nào có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Apple tự tin vì không có ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới có thể thực hiện dịch vụ phân phối như của mình. Họ tin rằng, một chiếc máy tính bảng sẽ tốt như tất cả những chương trình mà người ta cài trên đó.

Apple đã thành công bảo vệ chỗ đứng cho iPhone. Trang web App Store của hãng cung cấp tới 150 ngàn ứng dụng và trò chơi trên iPhone chỉ trong vòng 2 năm, biến thiết bị này trở thành nền tảng chơi game trên điện thoại thành thục nhất, đánh bật đối thủ chính DS của Nintendo.

Apple cũng sẽ làm như vậy với iPad, sẽ lạnh lùng xây lên những bức tường thành vững chắc mà không cơn gió lớn nào có thể rung chuyển được. Cuộc đấu trong khung sắt thú vị nhất năm nay sẽ là giữa iPad của Apple và Kindle của Amazon trên thị trường sách điện tử. iPad sẽ bẻ gập, cắt rời và biến chiếc Kindle thành con suốt.

Không hỏi, mà nói cho khách hàng thứ họ sẽ muốn

Dù vậy, nếu nói iPad là một cuộc cách mạng cũng không phải là đúng. Chẳng có gì giống nó ở ngoài kia cả, vậy nên cũng chẳng có chế độ nào để thay đổi. Một trong những điều đã khiến cho Apple trở nên độc nhất vô nhị đó là họ không bao giờ giữ các nhóm khách hàng tập trung.

Jobs không hỏi khách hàng thứ họ muốn; ông nói cho khách hàng biết thứ họ sẽ muốn. Trong khi Microsoft thích tiến vào những thị trường đã thiết lập và chiếm lấy bằng sức mạnh tàn bạo của mình thì Apple tự tìm ra những miền đất hứa và thống trị chúng từ ngay từ thủa hồng hoang.

Không có ai – kể cả Jobs, khi tự cho phép mình – có thể chắc chắn rằng khách hàng sẽ dùng iPad để làm gì. Tôi mạn phép dự đoán nó sẽ trở thành chiếc máy tính đầu tiên cho mọi nhà. Những chiếc máy để bàn cồng kềnh phải ở lỳ trong phòng học; máy xách tay đôi lúc được chạy ra phòng khách.

Còn iPad sẽ là chiếc máy đầu tiên có thể du ngoạn khắp căn nhà, truyền tay từ người này sang người khác, dạo chơi thoải mái từ phòng khách đến nhà bếp, đến phòng ngủ và đến cả phòng tắm. Thoải mái mọi nơi, không bị ràng buộc với cái gì. Đó không phải là một cuộc cách mạng, nhưng đó là một thay đổi thực sự, một thay đổi khiến cho mọi người đều phải chú ý.

Nếu như tôi có điểm gì không hài lòng với iPad thì đó là nó rất giỏi tiêu thụ các nội dung, nhưng lại không có chỗ cho sự sáng tạo. Chiếc máy tính này là công cụ đa năng tuyệt vời nhất từ khi bút máy ra đời.

Nó mang phòng chơi nhạc, rạp chiếu phim, buồng tối làm ảnh, và cả một nhà xuất bản đặt trên bàn của tất cả mọi người. Nó chuyển hướng từ tạo ra các nội dung đến chủ yếu là tiêu thụ và điều khiển chúng. Nó chặn họng bạn, biến bạn trở thành một người dùng thụ động và thành tác phẩm nghệ thuật của những người khác. Nghĩ theo cách đó, iPad là một bước giật lùi.

Rõ ràng đây không phải là một kết cục có hậu cho câu chuyện cổ tích của tôi. Chỉ trừ với những người đang bán các nội dung số.

Theo Vân Anh / Macvn

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

3 × three =

To Top