Connect with us

Cẩn trọng thị trường Trung Quốc?

Tin trong nước

Cẩn trọng thị trường Trung Quốc?

Mặc dù thị trường Trung Quốc đang được dự báo là thị trường xuất khẩu nhiều triển vọng trong năm 2014, tuy nhiên vẫn có những cảnh báo để các doanh nghiệp Việt cẩn trọng và cân nhắc.

Thị trường lớn

Khép lại năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam qua Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2012. Tuy Trung Quốc không nằm trong top 3 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhưng trong một số ngành hàng xuất khẩu của năm 2013, thị trường này giữ vị trí quan trọng hoặc đang trở thành thị trường tiềm năng trong năm 2014.

Chỉ tính riêng lĩnh vực xuất khẩu gạo, năm 2013 Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam, xuất khẩu chính ngạch đạt 2 triệu tấn (chiếm 33% tổng lượng gạo xuất khẩu) và tiểu ngạch 1,5 triệu tấn.

Theo dự báo trong năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Ngoài gạo, với ngành xuất khẩu nhựa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch 279 triệu USD (chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành).

Tất nhiên, mức tăng trưởng này một phần đến từ việc mặt hàng túi nhựa PE của Việt Nam bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Tương tự, năm 2013 cũng ghi dấu mạnh mẽ sự phát triển của thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), chia sẻ: “Khoảng hơn 1 năm trở về đây, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Hoa Kỳ của ngành gỗ, các DN đang kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường này vào năm 2014”.

Ông Hùng cũng cho hay việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc hiện đã có giá trị gia tăng cao hơn do đòi hỏi của khách hàng ở đất nước này về kỹ thuật đang ngày một khắt khe hơn.

Còn riêng trong lĩnh vực thủy sản, theo báo cáo xuất khẩu năm 2013 mới đây của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng nhập khẩu mạnh nhất từ Việt Nam, liên tục tăng với tỷ lệ 2 con số. Năm nay, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc chiếm vị trí thứ 4, sau Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

Trung bình mỗi tháng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 45 triệu USD, riêng mặt hàng tôm đã đạt tới gần 28 triệu USD/tháng, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu tôm tăng mạnh nhất và tăng liên tục 25-115%/tháng. Thậm chí, một vài tháng trong năm nay Trung Quốc vượt qua EU về giá trị nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Nhưng còn tiềm ẩn rủi ro

Tuy là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng, song việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với hầu hết các ngành hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong số đó là rủi ro đến từ việc xuất khẩu tiểu ngạch, một hình thức xuất khẩu vẫn còn khá phổ biến tại thị trường này.

Nhìn lại lượng gạo xuất khẩu, trong khi chính ngạch đạt 2 triệu tấn, tiểu ngạch đã đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Theo đánh giá từ lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro, một trong số đó là phần nhiều thương nhân Trung Quốc không quá khắt khe về chất lượng.

Nếu điều này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tâm lý nhà xuất khẩu Việt Nam và ảnh hưởng chung đến uy tín của gạo Việt Nam khi xuất ra thị trường thế giới. Ngoài ra, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch cũng làm cho tính an toàn của lô hàng xuất khẩu không cao. DN Việt Nam khó tránh khỏi việc gặp những bạn hàng lừa đảo, hoặc bị đối tác ép giá ở cửa khẩu.

Cũng có những lo lắng tương tự về việc xuất khẩu tiểu ngạch còn đang phổ biến trong ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhấn mạnh việc phát triển xuất khẩu theo đường chính ngạch là hết sức quan trọng.

Trên thực tế cũng có nhiều DN Trung Quốc sẵn sàng mua hàng qua đường chính ngạch với thông tin hợp đồng cụ thể, rõ ràng, nhưng điều quan trọng là làm sao DN có được những thông tin như vậy.

“Chúng tôi đã đề nghị Tham tán thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc tăng cường hơn nữa thông tin cho DN trong nước” – ông Hòe cho biết.

Với dân số đông, tăng trưởng kinh tế khả quan, dự báo nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc còn tăng trong năm 2014 và những năm tới.
Song Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu lớn, chính vì thế, khi những thị trường lớn bị ảnh hưởng, xuất khẩu không như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân Trung Quốc.

Ngoài ra, khi vào thị trường này sức ép cạnh tranh lên hàng Việt Nam cũng không phải ít. Tất nhiên, trong kinh doanh cơ hội luôn đi kèm những thách thức, rủi ro và điều quan trọng là các DN, hiệp hội có chiến lược tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro.

Theo Sài Gòn Đầu Tư 

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen + 16 =

To Top