Connect with us

7 bước xác định thị trường mục tiêu

DNA Viết

7 bước xác định thị trường mục tiêu

Bạn đã nghĩ ra được ý tưởng kinh doanh rất hay nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trước khi bắt tay thực hiện, bạn cần xác định thị trường mục tiêu của mình.

Về căn bản, có hai loại thị trường để bạn hướng đến, đó là người tiêu dùng và doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa hay thị trường này rất dễ hiểu. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh bán lẻ trang phục phụ nữ thì thị trường của bạn là người tiêu dùng; nhưng nếu bạn bán trang thiết bị văn phòng thì thị trường của bạn là doanh nghiệp. Bạn cũng có thể hướng đến cả hai đối tượng người tiêu dùng và doanh nghiệp nếu bạn kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định như in ấn, khách sạn, v.v.

Không một công ty nào, đặc biệt là công ty nhỏ, có thể hướng đến tất cả mọi người trên đời. Các tiêu chí xác định thị trường mục tiêu của bạn càng rõ ràng và chi tiết bao nhiêu thì bạn càng dễ hoạt động bấy nhiêu. Quy trình này được gọi là phân ngách thị trường và chính là chìa khoá thành công cho các công ty từ lớn đến nhỏ. Trung tâm mua sắm Walmart xác định thị trường của họ là những khách hàng quan tâm đến giá thấp trong khi cửa hàng của Tiffany chỉ hướng đến những khách hàng muốn mua trang sức cao cấp. 

Thị trường không tự động phân thành nhiều ngách, do đó, bạn cần một quy trình sàng lọc cẩn thận để chọn ra một ngách mà bạn có thể phục vụ tốt nhất. Dưới đây là một quy trình bảy bước giúp bạn phân ngách thị trường.

1. Lập danh sách

Trong đó ghi rõ đối tượng khách hàng bạn muốn phục vụ, bao gồm càng nhiều chi tiết càng tốt ví dụ như phạm vi hoạt động, loại hình khách hàng/doanh nghiệp bạn muốn hướng đến. Nếu không xác định được điều này, bạn sẽ chẳng biết bắt đầu từ đâu. Bạn có thể nói mình hướng đến khách hàng tuổi teen, nhưng thế vẫn chưa đủ, bạn cần biết chắc rằng mình muốn khách hàng tuổi teen, nữ, gia đình thu nhập class A hoặc B, cư ngụ tại Tp.HCM, v.v.  

2. Tập trung

Kế đến, bạn cần xác định mình muốn bán sản phẩm/dịch vụ nào và nên ghi nhớ rằng bạn không thể cung cấp mọi thứ cho mọi đối tượng, do đó hãy tập trung vào một việc mà bạn có thể làm tốt nhất. Ngách thị trường không đồng nghĩa với lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ, bán lẻ quần áo là một lĩnh vực kinh doanh, còn trang phục bầu cho nữ doanh nhân lại là một ngách thị trường. 

3. Thấu hiểu quan điểm của khách hàng

Khi nhìn nhận cuộc sống từ quan điểm của khách hàng, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với nhu cầu của họ. Cách tốt nhất để làm điều này là tiếp xúc và trò chuyện với khách hàng tiềm năng để hiểu thêm về những vấn đề họ quan tâm.

4. Tổng hợp thông tin

Ở giai đoạn này, ngách thị trường của bạn đã dần được định hình khi các ý tưởng bạn có và nhu cầu của khách hàng hợp được nối kết lại với nhau và tạo nên một điều mới. Một ngách thị trường hoàn chỉnh bao gồm năm yếu tố sau:

Phù hợp với tầm nhìn lâu dài của công ty

Được khách hàng mong muốn

Được hoạch định kỹ lưỡng

Độc nhất

Luôn phát triển, giúp bạn đảm bảo thành công lâu dài

5. Đánh giá

Đây là lúc bạn đánh giá sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp có thể đáp ứng cả năm yếu tố ở bước 4 hay không. Nếu không, bạn cần suy tính lại và tìm một giải pháp khác.

6. Thăm dò

Khi bạn đã có được một sản phẩm/dịch vụ phù hợp với thị trường ngách mình vạch ra, hãy thăm dò xem thị trường sẽ phản ứng thế nào bằng một số cách như dùng thử sản phẩm, hội thảo nhỏ, hoặc bản tin miễn phí. Những bước thăm dò này không cần phải quá tốn kém và sẽ giúp bạn rút ra những kinh nghiệm cần thiết trước khi chính thức tung sản phẩm/dịch vụ ra thị trường.

7. Khởi động

Đây là lúc bạn thực hiện ý tưởng của mình. Đối với nhiều doanh nghiệp, giai đoạn này vô cùng khó khăn. Thế nhưng, nếu bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng, hoạch định rõ ràng, việc thâm nhập thị trường sẽ là một nước cờ được trù tính chứ không còn là một canh bạc đầy may rủi nữa.

 

DNA Branding – www.dna.com.vn

www.facebook.com/dnabrandingvietnam

Có thể bạn quan tâm...
Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

18 − 11 =

To Top