Connect with us

Sử dụng Amazon để xây dựng thương hiệu của bạn

DNA Viết

Sử dụng Amazon để xây dựng thương hiệu của bạn

Một thực tế được nhiều nhà marketer thừa nhận đó là: một thương hiệu không còn cần dựa vào trung gian như nhà phân phối, các đại lý bán hàng và người bán lẻ để truyền tải thông điệp đến vời đối tượng mục tiêu nữa...

Một thương hiệu mạnh có khả năng giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng. Phản hồi của họ là vô giá đối với chủ sở hữu thương hiệu thông qua việc trả lời được các câu hỏi như sau:

  1. Sản phẩm của tôi có đáp ứng được nhu cầu thiết kế của nó không?
  2. Tại sao mọi người mua sản phẩm của tôi?
  3. Sản phẩm của tôi có dễ sử dụng không?
  4. Có bất kỳ khiếm khuyết sản phẩm nào ngăn cản người dùng mua nó không?
  5. Giá tối ưu cho sản phẩm của tôi là gì?
  6. Công ty của tôi có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm phù hợp với mong đợi của khách hàng không?
  7. Chuỗi phân phối càng dài, càng khó để doanh nghiệp tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này, làm chậm trễ những điều chỉnh cần thiết để cạnh trạnh trên thị trường.

Bán hàng trực tiếp sẽ làm rút ngắn quy trình và cho phép bạn nhận được phản hồi nhanh hơn, nhưng bạn vẫn cần phải có một lượng khách hàng đủ lớn để mang lại kết quả có ý nghĩa.

Sử dụng Amazon làm nền tảng xây dựng thương hiệu

Sử dụng Amazon làm kênh phân phối là một chiến lược hữu ích cho các thương hiệu mới cũng như thương hiêu đã có tiếng. Tất nhiên đây cũng không phải là giải pháp phù hợp cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Nếu là các sản phẩm quá cồng kềnh, nặng nề, khó sử dụng hoặc yêu cầu cài đặt bởi bên thứ ba, kênh phân phối trực tuyến này sẽ không phải là lựa chọn tốt nhất.

Việc bán hàng trên Amazon rất quan trọng bởi vì sự chi phối trong lĩnh vực bán lẻ của nó, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Hãy xem xét những số liệu này:

Amazon đã trở thành nền tảng để tìm kiếm sản phẩm, vượt qua các nền tảng tìm kiếm truyền thống như Google hay Bing.

Amazon chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ.

Tính đến tháng 9 năm 2017, gần 90 triệu người mua sắm ở Hoa Kỳ là những người đăng ký tài khoản Amazon Prime, chi tiêu trung bình 1300 USD mỗi năm.

Nhiều kết quả tìm kiếm sản phẩm hàng đầu trên Google thuộc danh sách sản phẩm của Amazon.

Nền tảng quảng cáo Amazon mang lại ROI (lợi tức đầu tư) tốt hơn so với những kênh truyền thống như Google, Bing và Facebook.

Google vs Amazon

Giống như Google, Amazon hoạt động như một nền tảng (platform) công cụ tìm kiếm khổng lồ mà mọi người sử dụng để tìm kiếm và mua sắm sản phẩm. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng giữa hai giao diện này khi mua sắm trực tuyến.

Trong khi Google chủ yếu là nền tảng để tìm hiểu và khám phá, người dùng Amazon chủ yếu là những người mua hàng đang thật sự có nhu cầu mua sắm.

Amazon cung cấp cho những người mua hàng tất cả các công cụ họ cần để mua hàng: thanh toán ngay mà không cần truy cập vào một trang web khác, các lợi ích của tài khoản Amazon Prime, so sánh sản phẩm, đánh giá của khách hàng; tất cả được bảo đảm bởi danh tiếng của Amazon như là nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn nhất (không giống như Google, thường chỉ được xem là một công cụ tìm kiếm).

Amazon cung cấp cho các thương hiệu một nguồn lợi ích to lớn: hàng triệu người mua sắm đang tích cực tìm kiếm để mua.

Vì lý do này, nhiều thương hiệu “trẻ” đã sử dụng độc quyền Amazon làm nền tảng khởi nghiệp.

5 lý do để xây dựng thương hiệu của bạn trên Amazon

Dưới đây là một số lợi ích của việc sử dụng Amazon để xây dựng thương hiệu của bạn:

Xây dựng thương hiệu – với lưu lượng truy cập khổng lồ của Amazon, cả thương hiệu mới và thương hiệu đã có tiếng đều có thêm cơ hội đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với nhận thức của người mua. Đối với những thương hiệu mới mà những người mua sắm chưa biết đến và phải vật lộn với sự quảng bá ban đầu cũng như xây dựng uy tín thương hiệu, Amazon cũng cung cấp những công cụ quảng cáo rất hữu ích. Thậm chí với ngân sách quảng cáo chỉ từ thấp đến trung bình cũng có thể tạo ra hàng trăm doanh thu hàng tháng. Khi thương hiệu của bạn bắt đầu bán được, nó sẽ xếp hạng cao hơn trong các lượt tìm kiếm “tự nhiên”, tăng hiệu quả của việc xây dựng nhận thức và bán hàng ban đầu.

Định giá tối ưu cho sản phẩm của bạn – một trong những thách thức lớn nhất của chủ sở hữu thương hiệu là đặt giá sản phẩm của họ cho lợi nhuận tối đa. Trong mô hình phân phối truyền thống, độ co giãn của giá thường rất chậm để kiểm tra và đo lường. Các nhà trung gian và nhà bán lẻ sẽ chống lại bất kỳ thay đổi về giá nào, và yêu cầu thời gian thay đổi từ vài tháng đến nhiều năm tùy theo thỏa thuận. “Sự thỏa thuận” duy nhất bạn cần tham khảo khi bán hàng trên Amazon là điểm hòa vốn. Người mua hàng Amazon thường đã quen thuộc với những biến động giá cả, vì vậy các tác động tiêu cực sẽ không tồn tại. Hơn nữa, điều chỉnh giá có thể được thực hiện chỉ trong 15 phút. Chỉ cần dựa vào điểm hòa vốn, người bán có thể điều chỉnh giá lên và xuống, và xem tác động đến doanh thu. Với việc theo dõi thích hợp, chủ sở hữu thương hiệu sẽ có thể xác định được mức giá tối ưu cho phép tỷ lệ doanh thu bán hàng đạt được lợi nhuận cao nhất.

Nhận phản hồi trung thực về sản phẩm – một trong những lợi ích chính của việc bán hàng trên Amazon là phản hồi trung thực của khách hàng mà bạn sẽ nhận được. Amazon cung cấp cho các nhãn hiệu thông tin phản hồi thực tế; trong khi các trang web khảo sát có thể cung cấp cho bạn các đối tượng để kiểm tra một số khái niệm của bạn, mức độ tham gia và liên đới thường khác nhau. Người tham gia các cuộc khảo sát thường được nhận lại sản phẩm của bạn, do đó cơ hội phản hồi mang tính thiên vị cũng cao. Khách hàng trên Amazon là những người thực sự trả tiền cho sản phẩm của bạn; kết quả là phản hồi bạn nhận được từ họ là những phản hồi chính chủ và trung thực nhất. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng đó chính là những nhận thức về thương hiệu bạn trên thị trường. Điều này rất có giá trị đối với các chủ sở hữu thương hiệu, vì nó cho phép họ xác định những lợi thế cạnh tranh chính của thương hiệu mình, khám phá những ứng dụng mới cho sản phẩm của họ, tìm hiểu về những trải nghiệm thực tế cho sản phẩm của họ, xác định các khiếm khuyết tiềm tàng khiến khách hàng không mua sản phẩm. Một chiến thuật hữu ích khác là giám sát các phản hồi về sản phẩm cạnh tranh, đặc biệt là các phản hồi tiêu cực. Điều này sẽ giúp bạn không tung ra các sản phẩm có cùng những nhược điểm như đối thủ cạnh tranh của bạn, và từ đó có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh lớn cho thương hiệu của bạn.

Tăng doanh thu (hoặc bán hàng ban đầu) – sử dụng Amazon làm kênh phân phối có thể góp phần đáng kể cho lợi nhuận của thương hiệu. Có hàng nghìn thương hiệu bán hàng triệu đô la trên Amazon, cũng như các doanh nhân đơn lẻ kiếm sống chỉ từ việc tìm nguồn cung ứng và bán hàng trên nền tảng này. Các thương hiệu mới có thể kiếm được nguồn doanh thu và doanh thu ban đầu cần thiết từ Amazon để mở rộng và phát triển. Sử dụng các kênh phân phối và nhà bán lẻ truyền thống thường rất khó cho một thương hiệu chưa có tiếng, với nguồn lực còn hạn chế. Ngược lại, việc tiếp cận hàng triệu người mua sắm trên nền tảng amazon có thể được thực hiện chỉ trong vài tuần.

Cải thiện hiệu suất hoạt động – Amazon đã xây dựng được danh tiếng ấn tượng về các tiêu chuẩn cao đối với nhân viên và nhà cung cấp. Là một người bán hàng của Amazon, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về một số chỉ số hoạt động, từ trả lời tin nhắn của khách hàng trong vòng 24 giờ, duy trì kho dự trữ hợp lý, vận chuyển sản phẩm trong khung thời gian được chỉ định, đóng gói thích hợp và dĩ nhiên bao gồm cả tuân thủ luật pháp. Thoạt nhìn, đây sẽ là những yêu cầu khá khắt khe, tuy nhiên đây cũng là một cơ hội tuyệt vời để cải thiện hiệu suất hoạt động tổng thể của công ty bạn, mang lại lợi ích cho tất cả khách hàng của bạn bất kể kênh phân phối nào. Trong tất cả các bước cần thiết để bán hàng trên Amazon, đảm bảo hiệu suất hoạt động của bạn phù hợp với các tiêu chuẩn của Amazon phải được thực hiện trước tiên.

Không phải tất cả các nền tảng Amazon đều như nhau

Là một người bán hàng trên Amazon, bạn có quyền truy cập vào hai nền tảng chính: Amazon Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico) và Amazon Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha). Tất cả các nền tảng Amazon khác như Amazon Nhật Bản và Ấn Độ khó tiếp cận hơn với tư cách là người bán quốc tế, trong khi Amazon Australia vẫn đang trong giai đoạn đầu của nó, nhưng các kế hoạch lớn đang được đặt ra.

Hãy bán sản phẩm của bạn trên càng nhiều nền tảng Amazon bạn có thể càng tốt. Mặc dù về doanh số bán hàng, Amazon Mỹ là người chiến thắng rõ ràng, nhưng việc bán hàng ở nhiều thị trường sẽ cho phép bạn hiểu được những khía cạnh khác nhau của việc đưa sản phẩm của bạn đến nhận thức của các đối tượng của từng khu vực.

Amazon: Chỉ một mảnh của chiến lược phân phối

Cho dù chiến lược phân phối chính của bạn không phải là kênh trực tuyến, bạn vẫn nên xem xét liệt kê các sản phẩm của bạn trên Amazon vì nhiều lý do được mô tả ở trên. Tuy nhiên, đừng chỉ hoàn toàn dựa vào Amazon để bán sản phẩm của bạn.

Tựu chung lại thì Amazon vẫn là một nhà phân phối độc lập mà bạn có quyền kiểm soát rất ít. Bất kỳ thay đổi nào của Amazon, vào bất kỳ thời điểm nào, đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bán hàng của bạn. Nếu Amazon là kênh phân phối duy nhất của bạn, doanh nghiệp của bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Hơn nữa, với tư cách là người bán hàng trên Amazon, bạn có rất ít thông tin về ai thực sự mua sản phẩm của bạn. Amazon hoàn toàn cấm bất kỳ giao tiếp nào với khách hàng của họ ngoài những thông tin liên quan đến đơn hàng.

Vì thế, mục tiêu chiến lược của bạn nên là đa dạng hóa các kênh phân phối, và đầu tư xây dựng mối quan hệ trực tiếp với khách hàng của bạn.

DNA Branding – www.dna.com.vn

Tham khảo nguồn Brand Uniq

Click để bình luận

Nhập bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

twelve − eight =

To Top